TIẾNG ANH THẬT LÀ CHÁN
(Trích từ cuốn sách “Bí mật chinh phục giao tiếp tiếng Anh” – Tony)
THÌ HIỆN TẠI ĐƠN
Ngày Tony đi học, mỗi buổi cô giáo sẽ dạy một chủ đề, mang theo một tập bài ôn luyện, đôi khi kèm theo một vài trang công thức ngữ pháp, từ mới, định nghĩa, giải thích ở phía sau. Rồi cô sẽ viết lên bảng S + V (s, es) + (O) hoặc công thức nào đó, đại loại như thế, rồi giải thích thì hiện tại đơn dùng như này, quá khứ đơn dùng như này; câu này sẽ chia ở dạng hiện tại hoàn thành. Các bài học, bài kiểm tra, bài thi đều xoay quanh các công thức ấy. Học sinh sẽ “cày đề” thật nhiều trước mỗi kỳ thi để cho quen mẫu câu, quen câu hỏi, câu trả lời. Đôi khi, Tony sẽ dành hàng giờ liền để viết đi viết lại những công thức ngữ pháp khô cứng như vậy vào trong trang nháp bên cạnh cho nhớ. Hơn 10 năm học, việc học tiếng anh chỉ xuay quanh các hoạt động nhàm chán như vậy. Tony chán! Và có lẽ, hầu hết bạn đọc nào đã trải qua quãng thời gian đó, cũng chán.
Hiện nay, đã có nhiều thầy cô giáo, trường lớp áp dụng những phương pháp học tập tiên bộ, hiệu quả hơn nhưng trong quá trình đánh giá năng lực, kiểm tra hàng chục ngàn học sinh, Tony nhận thấy cách học “dịch ngữ pháp” vẫn gần như đang được áp dụng và vô tình biến tiếng Anh thành một môn học khó nhằn, khô cứng và đầy ắp áp lực với các bạn học sinh. Như tên của phương pháp học tập này, trọng tâm là phân tích ngữ pháp và ghi nhớ từ vựng đã dịch. Đây là cách học biến ngôn ngữ (tiếng Anh) thành một chuỗi dài những công thức ngữ pháp vô tận và học sinh luôn phải cố gắng ghi nhớ (dù sẽ luôn quên sau khi làm bài kiểm tra hoặc sau đó 1-2 tuần).
Bạn đọc thân mến, có thể chính bạn cũng biết rằng, phương pháp học này không hiệu quả hoặc đạt hiệu quả không cao. Trong giao tiếp thực tế, không có thời gian để suy nghĩ về ngữ pháp và những trường hợp đặc biệt của ngữ pháp. Trong các câu hỏi và tình huống hằng ngày, thậm chí não bộ sẽ không thể kịp xử lý là nên chia động từ thế nào, cấu trúc hiện tại đơn hay quá khứ hoàn thành; mọi thứ khi đó sẽ thuộc về phản xạ, sự quen thuộc và nhuần nhuyễn. Đó chính là lý do hầu hết các bạn học sinh sau rất nhiều năm “cày tiếng Anh”, làm hàng ngàn bài tập ngữ pháp, thuộc hàng trăm trang công thức vẫn không thể nói và sử dụng ngôn ngữ này một cách tự nhiên, tự tin và tự động. Thực tế, kết quả học tập tốt môn tiếng anh không chứng minh cho việc học sinh đó có lợi thế ở việc giao tiếp và sử dụng tiếng Anh trong thực tế, mà đơn giản chỉ là chứng minh khả năng và năng lực ghi nhớ thông tin của não bộ trong một khoảng thời gian mà thôi.
HỌC TẬP THỤ ĐỘNG
Tony vốn là cậu bé ưa hoạt động. Lẽ dĩ nhiên, các giờ ra chơi, giờ thể dục được chạy nhảy, sẽ là thiên đường của những đứa trẻ thích vặn vẹo cơ thể trong những buổi học mà giáo viên anh văn hay toán luôn nhắc phải ngồi nghiêm túc, trật tự vào chăm chú lắng nghe như Tony. Trong hầu hết các lớp học, học sinh sẽ luôn được yêu cầu ngồi ngay ngắn và nghiêm túc trên ghế, các em được yêu cầu giữ trật tự và tuân theo giáo viên. Khi giáo viên giảng bài, học sinh ghi chép lại. Sau đó, giáo viên yêu cầu phải ghi nhớ những gì đã chép đó để chuẩn bị cho bài kiểm tra. Thông điệp và phương pháp ở đây rất rõ ràng: học tập là một hoạt động thụ động, bạn nghe lời giáo viên, bạn ghi chép, bạn ghi nhớ tốt và bạn sẽ đạt điểm cao.
Vấn đề ở chỗ, tiếng Anh không phải là một hoạt động thụ động. Bạn phải kết nối với người khác, liên tục hỏi, trả lời câu hỏi và đưa ra các quyết định. Bạn phải truyền đạt ý tưởng, cảm xúc và mô tả. Bạn phải chủ động tương tác, giao tiếp tự nhiên và sẵn sàng cho những điều bất ngờ. Tiếng Anh là một hoạt động thụ động nếu bạn hay con cái chúng ta học để thi và lấy điểm tốt ở trên trường. Nhưng để sử dụng và giao tiếp thì không. Tiếng Anh là sự tương tác, chủ động, tự động và tự nhiên.
Có một vấn đề quan trọng nữa trong quá trình học tiếng Anh của con đó chính là năng lượng. Ngồi một thời gian dài là một hoạt động tốn năng lượng. Con càng ngồi lâu, thì càng tốn nhiều năng lượng. Và khi năng lượng giảm xuống, sự tập trung sẽ giảm; con sẽ thích làm việc riêng, hý hoáy vẽ hình hay tô sách tô vở. Bạn đọc cần biết rằng hầu hết chúng ta đều là những người “học tập năng động”, tức là cơ thể sẽ luôn cần một hoạt động thể chất nào đó để học tập tốt hơn. Nhưng hầu hết, các buổi học và lớp học luôn được thiết kế để giảm thiểu việc vận động nhất có thể, việc đó vô tình làm cạn năng lượng của hầu hết các con. Cuối cùng, kết quả là một cơ thể lười vận động và một tâm trí lười vận động.
TÂM LÝ TRẢ LỜI ĐÚNG
Khi Tony đứng hàng trăm lớp online và làm việc với rất nhiều học sinh từ khắp mọi miền tổ quốc, có một việc thường gặp như thế này. Đôi khi, ba hoặc mẹ sẽ ngồi cạnh, quan sát hoặc kèm con học tập với thầy cô giáo. Thường thì ba mẹ sẽ chỉnh sửa luôn cách đọc, cách phát âm của con khi học với thầy cô, rồi khi con được áp dụng quá trình “Mini-story” (hỏi và trả lời rất nhiều câu hỏi), ba mẹ cũng sẽ trả lời cùng con luôn. Nhưng có tới hơn 50% ba mẹ sẽ ngay lập tức “nhắc nhở” hoặc điều chỉnh, đôi khi là mắng hoặc trỉ trích khi con trả lời sai, hoặc những câu hỏi mà con không chắc chắn, thường sẽ luôn quay sang chờ đợi đáp án hoặc gợi ý từ ba mẹ. Thói quen này vô hình chung tạo cho con hệ niềm tin rằng: sẽ luôn chỉ có một đáp án cho mỗi câu trả lời. Hơn thế nữa, con sẽ không dám tự đưa ra quyết định khi chưa chắc chắn, bởi quyết định sai sẽ luôn bị “nhắc nhở” và trỉ trích hoặc hình thức trừng phạt nào đó. Việc này vô hình tạo tâm lý tự ti, không dám thể hiện bản thân mình. Ở các lớp học lớn hơn cấp trung học cơ sở hoặc phổ thông, đôi khi các con hình thành tâm lý rằng “cool”, “ngầu” là khi ngồi im lặng, quan sát bạn mình trả lời và mỉm cười, ngay cả đôi khi các con đã biết chính xác câu trả lời.
Ở hầu hết các lớp học thông thường, con sẽ luôn được dạy rằng chỉ có một câu trả lời duy nhất cho mỗi câu hỏi. Ví dụ, người ra đề sẽ để trống một động từ, ở bên dưới là bốn đáp án, học sinh sẽ khoanh tròn vào đúng một đáp án liên quan tới câu hỏi ở đề bài. Hầu hết các buổi học “thêm” tiếng Anh, đều lặp lại quá trình làm đề, chữa đề và đương nhiên, chỉ có một đáp án duy nhất cho mỗi câu hỏi.
Cuộc sống thực tế hoặc môi trường giao tiếp, làm việc đôi khi không như thế. Sự thật là luôn có rất nhiều cách để diễn tả một câu chuyện, thậm chí chúng ta có thể thay đổi thì của động từ để thay đổi cảm giác của câu chuyện, hay cùng một vấn đề nhưng có rất nhiều cách trình bày khác nhau. “Tâm lý trả lời đúng” sẽ khiến cho người học tiếng Anh theo phương pháp truyền thống sẽ luôn bối rối, lúng túng. Giao tiếp hiệu quả đòi hỏi sự linh hoạt, trong khi đó thói quen học tập và “tâm lý trả lời đúng” khiến học sinh trở lên cứng nhắc và thiếu trí tưởng tượng.
SỢ MẮC SAI LẦM
Đây là một trong những yếu tố tiêu cực và gây tổn thương nặng nề nhất trong quá trình học tập và trưởng thành của trẻ. Phần lớn con được dạy rằng chỉ có một câu trả lời đúng duy nhất và điều gì xảy ra khi các con trả lời sai?!
- Bị trừng phạt
Học sinh sẽ bị trừng phạt bằng điểm số. Đôi khi, các lớp học chưa tiến bộ còn trừng phạt học sinh bằng hình thức đứng góc lớp, bằng việc đánh thước kẻ vào tay hay trỉ trích trước đám đông. Những việc này vô tình tạo ra tâm lý rằng việc mắc sai lầm thật là tệ hại và cách tốt nhất để thành công đơn giản là đưa ra câu trả lời mà người dạy muốn. Điều mà ba mẹ thường có thể thấy được, là con sẽ luôn ngại và sợ phát biểu trước đám đông, bởi đơn giản trong quá trình học tập, khi con nói sai, sẽ ngay lập tức bị “điều chỉnh”, “sửa chữa những sai sót” bởi người dạy. Hầu hết, các con đều cố tránh nói tiếng Anh trước đám đông vì việc này có thể gây xấu hổ khi con nói sai hoặc bị “sửa chữa sai sót”.
Không có gì là hoàn hảo trong tiếng Anh. Ngay cả người bản xứ cũng sẽ mắc sai sót. Cách nhanh nhất để giỏi hơn là mắc sai lầm nhiều, sửa sai và tiếp tục tiến bộ.