11 06 / 2023

CHUYỆN TONY HỌC TIẾNG ANH (P2)

Đầu năm lớp 10, ba dành tiền tiết kiệm mua cho Tony bộ máy tính mới. Ba bảo, phải có máy tính, vài năm nữa mấy đứa tụi mày sẽ làm việc với máy tính hết, rồi  còn gõ văn bản, chat chit với tây tàu. Ngày ấy có được gần 7 triệu để sắm máy tính cho con, là cả một gia tài với một người thợ xây, lam lũ, vất vả dãi nắng dầm mưa như ba.  Má trách ba sao không để lên lớp 12 rồi mua cho nó, mua sớm giờ mấy đứa nó mải chơi game, đánh điện tử suốt ngày thì sao?! Ba cười hì, đoạn bảo má yên tâm! Máy tính là để hỗ trợ học hành, nhà mình nghèo, con nó ngoan, hiểu chuyện sẽ không mải chơi đâu. Thế là Tony có máy tính để “học” từ lớp 10. Có máy tính, rồi 2 ba con lại chở nhau lên tận cửa hàng trên thị trấn, mua lấy hơn 100 m dây mạng. Hồi ấy, nhà Tony cuối xóm, trong ngõ sâu, người ta không lắp mạng tận nơi, phải xin share mạng cùng với nhà bác H, ở tận đầu xóm. Hai ba con mua dây về, nhờ người ta bấm đầu cap mạng, rồi bắc thang loay hoay cả buổi mới kéo được cái dây mạng về nhà. Thế là từ ấy, Tony có máy tính, có internet để kết nối với thế giới.

Cuối năm lớp 10, việc học ở trên trường vẫn vậy, mọi thứ vẫn ổn trừ một điều: Tony vẫn luôn tự hỏi, làm thế nào để nói được tiếng Anh tốt hơn? Làm sao để nói được tiếng Anh? Phải làm sao? Làm sao?!

Và rồi, đem câu hỏi ấy lên internet. Ngày ấy, đã có google, youtube nên việc tìm kiếm thông tin dần trở lên vô cùng thuận tiện. Tony lần mò hàng trăm video trên youtube, lướt hết trang web này đến trang web khác. Thử học tiếng Anh bằng nhiều cách người ta chỉ. Lúc thì học qua phim, được vài bữa, lại chán. Lúc thì học qua bài hát, hát dở lại bỏ. Rồi tienganh123, rồi tập cả chat với tây tàu qua các nền tảng phòng luyện chat, nói tiếng Anh trực tuyến, vừa trò chuyện với người ta, tab bên cạnh là google dịch để nghĩ cái gì bằng tiếng Việt rồi gõ vô đó, copy pase sang tiếng Anh… nhưng cứ được vài bữa lại thôi. Bạn bè, cả cô giáo chủ nhiệm hồi ấy cũng rất quan tâm, biết Tony đang cố tìm cách lạ để học, nên khuyên bảo: Thôi! Em cố học ôn tập thi đại cho cho tốt, sau này vào trường ngon, bảng điểm đẹp rồi học gì thì học, làm gì thì làm.  Sự đam mê, kiên trì của một cậu bé 15 tuổi chưa đủ lớn để đánh bại lại những thử thách, chán nản, khó khăn đầu tiên trên hành trình chinh phục những mục tiêu & khám phá bản thân mình. Thử rồi lại thất bại. Tony nản, đã có lúc, nghĩ bản thân mình không có năng lực học ngoại ngữ thật. Hay thôi!

Rồi một ngày nọ, Tony coi trên youtube một video, có người bố đứng cạnh cái hàng rào sắt nói với cậu con trai. Đại ý là: “Đừng để ai đó nói với con rằng con không làm được một cái gì đó, thậm chí là chính ba. Người ta thường có xu hướng nói người khác không làm được bởi đôi khi, chính họ cũng không làm được điều ấy. Nếu con thực sự muốn điều gì, hãy đi ra ngoài và giành lấy nó!” 

Tony hạ quyết tâm, nắm chặt tay, bặm môi, hồi ấy mỗi lần ngồi học còn buộc cả cái khăn đỏ vào đầu như mấy samurai Nhật bản chuẩn bị ra trận ấy. Tony tìm & thử nhiều lần, cuối cùng, chọn được một video của một tiến sĩ nổi tiếng bên Mỹ. Sau nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu cho hàng ngàn học sinh, kết hợp rất nhiều phương pháp, nguyên lý học ngôn ngữ tự nhiên nhất, thầy đã sáng tạo ra bí kíp học tiếng Anh nhanh, tự nhiên nhất mà bản chất đến từ việc học nghe, kết hợp với việc học tập năng động. Tony thấy hợp, hạ quyêt tâm “ chiến đấu” đến cùng với phương pháp học mới này.

Tài liệu học tập chủ yếu là các file nghe, chứ chẳng có video, giáo trình, app hay được thầy cô hướng dẫn tận tình như bây giờ. Ngày ấy, thuyết phục mãi ba mới cho gần 2 triệu, đi nhờ anh H qua ngân hàng làm thẻ visa, rồi nạp vào trang web để mua bài học. Hàng tuần, thầy sẽ email cho Tony bài học, có mấy file nghe, 1 file text. Bài nghe thì phải cop vào usb, rồi mang ra quán nhờ người ta bắn vào điện thoại. Tony không nhớ là cái điện thoại gì nữa, ba mẹ hay đi làm xa, nên tậu cho Tony cái điện thoại nhỏ nhỏ, để tiện nghe gọi, còn có thể nghe được nhạc. Sau mua được cái dụng cụ cop vào thẻ nhớ, thầy gửi bài về là  tự cop vô, học chỉ có nghe, nghe & nghe!

Ngày đi học 2 buổi, Tony nghe tiếng Anh bất  cứ lúc nào có thể. Sáng dậy đánh răng đã vừa nghe vừa yes-no, rồi đạp xe tới trường, cũng để điện thoại vào túi, dây tai nghe lồng trong áo, yes yes no no cả chặng đường. Đợt ấy để đạp xe tới trường mà  vẫn tập trung nghe, Tony chọn đi sớm hơn tất cả các bạn trong xóm, để được “yên tĩnh” vừa đạp xe vừa nghe tiếng Anh. Các bạn tưởng Tony chảnh, không thích chơi nữa; giờ ra chơi rảnh là nghe, rồi đạp xe về, cũng lựa chọn chạy ra nhà xe thật nhanh để về sớm hơn các bạn, đạp xe một mình vừa đi vừa nghe, hay về thật muộn, thong thả trên đường yes yes no no; chiều, chạy thể dục, tưới rau, nấu cơm đều bật lên nghe rồi tương tác với bài học. Học tiếng anh mà vui, không phải viết từ mới, ghi công thức ngữ pháp hay làm đề, được tương tác liên tục, nên Tony không chán, mà ngược lại, rất hào hứng và tin rằng sẽ sớm thôi, mình sẽ nói được tiếng Anh thật lưu loát.

Thấy Tony suốt ngày yes no, ba cũng bảo ủa sao không làm bài tập mà suốt ngày nghe mấy cái này chi. Tony giải thích, ba không hiểu lắm, nhưng cũng gật: “Thôi! Mày làm gì thì làm! Cứ cố gắng quyết tâm rồi sẽ thành tài! Ông trời không phụ ai bao giờ con ạ!”

Tony dạ! Đến bây giờ, dù ba đã đi xa, những vẫn luôn biết ơn & nhớ từng lời ba dạy, nhờ có sự tin tưởng tuyệt đối của ba cho đứa con bé bỏng trong những năm tháng ấy, Tony đã lớn, trưởng thành & thành tài vượt qua cả những gì ba hằng mong ước.

Thời gian thấm thoát, Tony nghe kiên trì như vậy đến hết năm lớp 11, rồi lên lớp 12 thì thấy biến chuyển rõ rệt. Các bài nghe, bài đọc trên lớp trở nên vô cùng dễ dàng & quen thuộc mà không hề có sự chuyển bị trước. Các video thầy nói tiếng Anh 100% trên youtube, Tony nghe hiểu; không được 100% nhưng đủ để hiểu thầy đang nói gì mà không cần sub. Thấy lạ! Biết rằng sự cố gắng của mình đã dần có kết quả, Tony sung sướng khoe với ba. Nhưng thời gian ấy, ba bắt đầu phát bệnh, mệt & yếu dần, chỉ dặn Tony thật cố gắng. Tony buồn, biết ba yếu chẳng thể chữa được, chỉ mong một phép màu nào đó sẽ đến giữ ba ở lại với gia đình. Những ngày đó, ngoài việc cắm đầu vào học, nghĩ đủ ý tưởng để tập kinh doanh, sau này sẽ kiếm tiền phụ mẹ chữa bệnh cho ba; Tony chẳng nghĩ được việc gì khác. Nửa cuối năm lớp 12, Tony kết hợp việc học tiếng Anh từ việc nghe, với việc học qua phim nữa. Hồi ấy tải phim Friends về, cắt ra thành video ngắn có hơn 10ph một đoạn, trưa ăn cơm là hai anh em xem đi xem lại, mỗi phần phim ấy vài chục lần, xem tới khi thuộc hết cả lời thoại, tông giọng lên xuống như nào của diễn viên luôn. Trưa nào cũng xem, cày hết mấy tập phim Friends thôi, nhưng trình tiếng Anh, từ vựng vượt lên trông thấy. Lúc đó, nhờ có nền tảng từ việc luyện nghe, nói & phản xạ trước đó, việc coi phim trở nên vô cùng thuận lợi, chưa cần engsub cũng hiểu được sơ bộ rồi. Xem vài lần, sau đó lấy file engsub ra check lại, từ hay cụm từ nào chưa hiểu, sẽ tra từ điển rồi coi đi coi lại cho thuộc cả lời thoại luôn. Việc học hào hứng & nhiều cảm xúc như vậy ấy ạ!

Có bận, giờ listening & speaking trên lớp, Tony nói mà cô giáo Anh văn thấy bất ngờ quá, không biết tại sao cậu bé thường vắng mặt ở các giờ học phụ đạo buổi chiều của cô lại nói hay và tiến bộ đến vậy. Chắc cô cũng cảm nhận được phần nào Tony có sự tiến bộ, chỉ thấy từ đó về sau, cô ít gọi Tony ở các phần speaking nữa.

Cũng giữa năm lớp 12, thầy giáo A của Tony bên Mỹ có ghé Việt Nam làm hội thảo. Tony ở dưới quê, cách Hà Nội không quá xa, nhưng với một cậu nhóc chỉ có vài lần ra thành phố khi ngồi sau yên xe máy của ba, việc tìm cách đi hội thảo của thầy là cả một thử thách gian nan. Rồi tiền đâu mua vé, đi như thế nào? Ngộ nhỡ đi xe ra Hà Nội bị người ta lừa mất xe thì sao? Lại chưa tham gia giao thông ở đường lớn bao giờ, nhỡ công an bắt thì tiền đâu mà nộp phạt. Tony tìm một thông tin về sự kiện trên facebook, web mà không thấy có vé free hay đăng ký dành cho người lạ. Cuối cùng, tìm thấy cơ hội ở một topic tuyển dụng cộng tác viên cho sự kiện. Thôi thì cộng tác viên thì cũng được gặp thầy rồi! Tony đăng ký liền, dù thấy yêu cầu ghi cao trên m7, trong khi mình mới m67, nhưng kệ cứ đăng ký đã, đến đâu thì đến. Người ta không nhận thì mình về, ít nhất cứ phải cố gắng đã. Rồi hôm sau, phải qua phỏng vấn ở tận Cầu Giấy để được làm công tác viên (nghĩ lại cũng thấy cực), phỏng vấn xong chị quản lý có bảo, em chưa đủ chiều cao nhưng thấy em nhiệt huyết, nhanh nhẹn, nên được nhận. Thế là Tony được tham gia hội thảo của thầy bằng cách đó. 18 tuối, hôm ấy gọi điện bảo ba là con đi học hội thảo ngoài Hà Nội, rồi lấy xe ba, tự đi, vừa đi vừa hỏi đường. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Tony tự đi xa nguyên một ngày như thế đó!

 Sau này, nhờ có tiếng Anh mà cuộc đời Tony thay đổi rất nhiều. May mắn được nhận làm cộng tác viên trong sự kiện của các thầy nước ngoài, đến từ Sing, Úc, Mỹ, Anh.. Rồi thường xuyên làm việc, trao đổi qua lại với team tổ chức sự kiện của Malay. Sau lại đồng hành cùng thầy E, một chuyên gia tâm lý rất nổi tiếng và rất giỏi (theo đánh giá cá nhân của Tony) người Sing; vừa làm phiên dịch, vừa làm coach (hỗ trợ huấn luyện, đào tạo) cho các học viên ở các chương trình trại hè, kỹ năng sống của thầy ở Việt Nam, Sing, Malay, Indo, Thái Lan… Năm 19 tuổi, đã được bộ phận tuyển dụng của trung tâm tiếng anh X mời làm trainer (giảng viên), chắc hồi đó Tony đen, già dặn chứ không có baby, trẻ con lại lúc nào cũng nhiệt huyết, năng lượng nên các chị ở phòng đào tạo tưởng 24,25 rồi ấy, mời làm giảng viên cho các bạn sinh viên…

Hành trình gắn bó với tiếng Anh là một hành trình thú vị với cuộc đời Tony từ những năm tháng cấp 3 tới tận bây giờ. Tin tưởng rằng ngoại ngữ giúp con người kết nối với nhau và xóa tan đi khoảng cách của tri thức, văn minh & khoa học kỹ thuật; Tony quyết tâm đưa thật nhiều bạn nhỏ Việt Nam có nền tảng thật tốt để kết nối với thế giới. Mong rằng bạn đọc khi đọc đến những dòng này đừng chê cười Tony vì khoe khoang chi tiết quá, Tony chỉ muốn kể lại hành trình đầy cảm xúc ấy để biết đâu, một dòng văn, một hành động, một suy nghĩ lại có thể thay đổi cuộc đời một ai đó!

Hà Nội – 3/2023