14 05 / 2023

Chuyện Tony học tiếng Anh P1

CHUYỆN TONY HỌC TIẾNG ANH (P1)

Năm Tony học lớp 3, bắt đầu học tiếng Anh. Tony còn nhớ, hè năm lớp 2, chị H lớp trên đã cho Tony bộ sách cũ. Nhà nghèo, ba mẹ làm lao động cả, nên suốt những năm tháng đi học, hầu như, năm nào Tony cũng học sách cũ. Chỉ trừ mấy quyển phải viết vô, không dùng cũ được; hay mấy quyển mà cô giáo bảo năm tới sẽ có sách theo trương trình được cập nhập của sở, sách cũ hổng dùng được nữa, thì mẹ sẽ chở Tony trên chiếc xe đạp cũ màu xanh ông ngoại cho, lên tận hiệu sách nhỏ ở xã trên tìm mua sách. Lần mua sách nào, Tony cũng mò mò mấy đống sách cũ nát ở thùng caton vứt ở góc hiệu sách, được mấy cuốn truyện đã nhàu nát, lật lật, đọc đọc rất chi là chăm chú, chị chủ quán thấy vậy liền thương, bảo: Thôi, mày cầm lấy về mà đọc. Tao không lấy tiền đâu.

Quay trở lại chuyện học tiếng Anh, mùa tựu trường năm ấy, xin được bộ sách lớp 3 cũ của chị H từ hè, Tony đã bắt đầu hí hửng “Nghiên cứu” hết cả các bài tập đọc, bài toán, bài địa lý, lịch sử, khoa học của bộ sách “mới” và Ahh! Năm nay có thêm 2 quyển Tiếng Anh nữa. Bìa sách màu xanh đỏ đã nhàu, Tony cắt cắt lấy giấy báo bọc lại như mới, rồi ngâm cứu, mà không có hiểu chi, vì toàn chữ lạ, không đánh vần được.

Năm ấy, dạy tiếng anh cho lớp của Tony là cô T. Tony háo hức lắm, cuối cùng thì mình cũng được học cái tiếng lạ. Má bảo, chăm học tiếng Anh đi, sau này ra nói hello, hi với mấy thằng Tây, rồi đi đây đi đó. Làm đàn ông con trai phải đi đây đi đó, lấy con chữ thoát nghèo; ba mẹ ngày xưa ít học, nên mới phải làm lao động, khổ & vất vả lắm! Nghe chưa!?

– Tony dạ!

Rồi đem theo sự háo hức sau này được đi đây đi đó vô môn tiếng Anh. Những buổi đầu, thích lắm, cô giáo dạy Hello là xin chào; Good bye là tạm biệt nè; Apple là quả táo; Chicken là con gà. Tony vốn ham học, học trên lớp, rồi về nhà sẽ viết vô vở tập mỗi từ ấy 20 lần. Chicken là con gà. Chicken là con gà… Mỗi 2 tuần một lần, sẽ có một tiết được “Nghe” tiếng Anh. Cô giáo sẽ xách theo 1 cái đài cassette màu bạc, cả trường có một cái, nên lớp nào có tiết mà có học phần Nghe, thì hôm ấy lớp khác phải học phần khác; rồi đến phần học nghe, cô bấm cho cả lớp nghe, điền từ vào chỗ trống. Đôi khi, cái đài sẽ hỏng hóc đâu đó dễ thương một chút, phát ra mấy âm thanh rè rè hay sôi sôi; cô giáo siêu tâm huyết của Tony sẽ đập đập vô cái phần đầu bên phải, hay lắc lắc cái ăn-ten. Tony cũng không biết như vậy có “chữa” được không, nhưng có vẻ vài bữa sau, nó lại sôi sôi tiếp. Tony nghĩ mình học giỏi TA, nhưng chẳng bao giờ nghe được hết phần listening ấy. Rồi sẽ hỏi cô giáo đây là từ gì, từ gì mới điền được vô. Ngày ấy, bữa nào có học phần lisntening là bữa ấy chán òm, vừa chả nghe được gì, và hôm nào đài cũng lỗi. Có vẻ cô giáo cũng chán, có đợt cả tháng, Tony còn chả thấy cô cho học nghe. Sau này mới biết, đó là thiếu sót lớn nhất và quan trọng nhất khiến Tony và cả lứa mấy trăm học sinh ấy không nói được ngoại ngữ.

Trở lại việc học tiếng Anh, lên lớp 4 thì Tony bắt đầu học thì hiện tại đơn, thì quá khứ đơn, rồi nhiều nhiều cấu trúc, công thức ngữ pháp. Mỗi buổi học, cô giáo sẽ viết lên bảng vài công thức, có chữ viết tắt, rồi dấu cộng, dấu bằng. Đây là thì hiện tại đơn, chủ ngữ, cộng vị ngữ cộng với (O); đây là thì quá khứ đơn, thì quá khứ thì động từ sẽ được “Chia” ở quá khứ. Động từ chia ở quá khứ thì sẽ có công thức như này, như này, rồi cái này được gọi là giới từ, trợ động từ…

Mỗi buổi học, cô giáo sẽ cố gắng giảng dạy thật kỹ để mấy đứa nhóc như Tony hiểu và có thể làm bài tập rồi những bài kiểm tra thật tốt. Sự nhiệt tình của cô giáo và sự chăm chỉ của mấy đứa nhóc lớp “chuyên” của xã như Tony đã đạt được thành quả vô cùng tự hào là cuối năm ấy, Tony đạt học sinh giỏi cấp trường, rồi cấp huyện môn tiếng Việt, Toán & cả tiếng Anh. Đợt trao thưởng cuối năm, còn nhận được cái tranh vẽ sơn mài nhà trường tặng, đến nay vẫn còn nhưng cất ở trong góc tủ trên gác nhà làm kỷ niệm; nhưng cũng từ cuối năm ấy, Tony bắt đầu “sợ” môn tiếng Anh. Có bữa, Tony buột miệng hỏi cô giáo: – ủa cô ơi! Sao học để nói thôi mà ghi nhớ nhiều thứ quá. Em chẳng nhớ hết nổi thì quá khứ thế nào cả…

Những năm tiếp sau ấy, Tony đều học lớp “chuyên” của xã, rồi chuyển sang trường chuyên của huyện, vẫn thi được vào lớp “chuyên”. Nhưng môn tiếng Anh thì vẫn vậy, vẫn học hành chăm chỉ, buổi nào cũng thuộc mười mấy từ mới. Thầy giáo sẽ gọi lên bảng viết “từ mới”, gọi là “kiểm tra miệng”. Tony thì luôn ăn điểm 10 kiểm tra miệng, vì trí nhớ tốt lại chăm chỉ, tối nào cũng viết mấy trang giấy từ mới kiểu “apple là quả táo” vào vở.

Tony còn nhớ, năm lớp 6 lại học lại thì hiện tại đơn, rồi thì quá khứ đơn. Tony hỏi thầy P, là giáo viên tiếng Anh ngày ấy: – ủa thầy ơi! Cái này ngày xưa con nhớ lớp 4 học rồi mà!

Thầy bảo học lại cho nhớ! Giờ nó khó hơn.

Và Tony cũng nghĩ chắc khó hơn thật, tại thấy nhiều từ mới hơn; những đoạn hội thoại có Mai, Lan, Peter, Nam dài hơn. Bây giờ, không chỉ là học nối từ, nối câu, hay điền vào chỗ trống nữa, mà thầy sẽ phát cho cả tờ đề dài, gọi là “luyện đề” với các câu trắc nghiệm, tự luận, khoanh tròn đáp án. Giờ ra chơi, nhiều bạn còn tranh thủ 15 ph ngồi trong lớp luyện đề cô giao để chiều tối còn đi học thêm, cô chữa. Nhưng cũng trong suốt những năm tháng ấy, gần như Tony & các bạn của mình gần như không được học NGHE. Tony viết “gần như” bởi vì vẫn có các học phần nhỏ cô giáo mang theo đài để học nghe, nhưng gần như bị bỏ qua, hoặc nghe chẳng hiểu gì cả. Tony nghĩ mình kém chẳng nghe được, chả hiểu sao mình chăm học vậy mà mấy phần nghe khó quá. Mấy sự háo hức vui vẻ năng lượng hồi mới làm quen với tiếng Anh giờ tan biến mất tiêu, nhường chỗ cho sự căng thẳng và suy tư của mấy công thức ngữ pháp, mấy cách chia động từ, đánh trọng âm hay khoanh tròn đáp án các từ mà có đuôi ed, từ nào phát âm khác.

Hè năm lớp 7, má bảo Tony: – Hay mày đi học thêm đi! Tao thấy cô A ở làng bên dạy hay lắm. Học trò kéo tới học đông, tao đi qua lúc nào cũng thấy xe đạp của mấy đứa nhỏ kín sân.

Tony cũng thích đi học thêm, vì muốn được gặp các bạn vào khung giờ tối, hay chủ nhật. Nhưng ngày ấy nhà nghèo, đi học thêm là đóng 15k một buổi. Tony cũng biết thương mẹ, bảo thôi, con xin đề của bạn, đi photo rồi tự học là được rồi. Sau này, Tony có đi học thêm toán & văn hồi lớp 9 tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi 2 môn ấy. Lên cấp 3 thì hoàn toàn không đi học thêm nữa. Mua sách ngoài tiệm hoặc photo đề của bạn rồi tự ôn. Năng lực tự học, tự khám phá mọi thứ theo thế giới quan của mình cũng được trui rèn từ những tháng ngày còn đạp xe 2 buổi tới trường ấy.

Nhưng, Tony vẫn không nói được tiếng Anh.

Lên lớp 10, môn Tiếng Anh dần trở thành nỗi ám ảnh của cậu bé Tony đẹp trai và dễ thương ngày nào. Mỗi buổi học, cô Th – cô giáo dạy Anh văn của Tony suốt 3 năm cấp 3, sẽ cho cả lớp học một chút ở sách giáo khoa, rồi cô phát đề cho cả lớp làm. Mỗi tuần, sẽ có thêm 1 buổi chiều học “thêm” tiếng Anh ở trường, cô sẽ chữa đề, rồi dạy các công thức, các mẹo chia động từ, mẹo đánh trọng âm, mẹo khoanh tròn cho đúng đáp án, học nhiều lắm. Lớp Tony là lớp chuyên của cả trường, nên từ lớp 10 đã làm quen với đề thi đại học luôn, cơ man là đề, đề & đề. Cô còn bảo mấy đứa nhóc Tony phải học thuộc hết chỗ 300 từ mới này, rồi có cả 1 tập vở riêng, ghi công thức, công thức & công thức. Mỗi lần tập làm đề, đến đoạn nào khó, sẽ lấy tập công thức ra tìm tìm, mò mò, rồi khoanh khoanh. Cả 3 năm đi học, có lẽ số lượng đề mấy đứa vừa thi A1 (toán,lý,anh), vừa thi D(toán, anh, văn) như tụi Tony làm hết cả ngàn trang giấy có khi còn ít.

Nhưng, Tony cũng như các bạn “chuyên” anh để thi A1 & D hồi ấy, vẫn không nói được tiếng Anh.

Cuối năm lớp 10, có bữa, Tony đi công tác gì đó trên phòng đoàn (Tony làm bí thư lớp, vs làm nhiệm vụ đoàn đội của trường nữa) về lớp, cô giáo có lẽ đang giận chuyện gì đó, nên hổng cho Tony vào lớp, cho đứng ngoài luôn. Rồi cô bảo không chịu luyện tập đề, rồi học chỗ công thức cô giao, suốt ngày đi đoàn đội sao mà sau này thi đại học được điểm cao. Tony ngồi buồn miết, nghĩ bụng: – Có phải học công thức và làm đề là cách duy nhất?             Có phải mỗi ngày học 10 từ mới là đúng? – Tại sao đến giờ mình vẫn chẳng nói được tiếng Anh? – Có cách nào khác nữa không? Làm sao để nói được tiếng Anh? Phải làm sao? Làm sao?